1. Nhà tạo lập thị trường
Trên thị trường chứng khoán, thuật ngữ tiếng lóng này được ví von cho các nhóm nhà đầu tư lớn hoặc rất lớn. Thường là các cá nhân có rất nhiều tiền như những công ty chứng khoán, doanh nghiệp, ngân hàng… có rất nhiều tiền. Và họ có khả năng điều tiết giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Thường là market maker sẽ cho từng nhóm cổ phiếu hoặc của công ty nào đó. Nhất là những công ty nhỏ, công ty vừa vừa thì market maker dễ thao túng cổ phiếu, dễ đẩy giá, làm giá lên hoặc là giảm giá xuống nhiều hơn.
Còn cả thị trường chung, cả VNINDEX và 1800 mã cổ phiếu, cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa năm 2021 khoảng chừng 300 tỷ đô rồi thì market maker có lẽ chỉ là chính phủ thôi.
2. Cá mập, big boy
Cá mập hay big boy đều là những nhân vật “tầm cỡ”có ảnh hưởng. Đại diện cho người làm chủ thị trường, có thế đánh lên hoặc đánh xuống. Mục đích là làm sao kiếm được nhiều tiền nhất, để gia tăng cổ phiếu, tài sản của mình lên.
Cá mập, Big boy là những cái tên mang tính chất phổ thông, thường dân hơn. Kể cả những nhà đầu tư cỡ lớn, có trong tay vài chục, vài trăm tỷ thì họ cũng đã là cá mập, Big boy. Họ hoàn toàn có thể thao túng một số những mã cổ phiếu vừa và nhỏ.
Cá Mập, Bìm Bịp và Chim Lợn là các công cụ các market maker. Trong đó vai trò nòng cốt là Cá Mập. Hai “đứa kia” thì phụ họa. Cá mập đại diện cho dòng tiền của các Big Boy đặt tại các công ty chứng khoán dưới dạng các tài khoản. Tuy là nhiều tài khoản nhưng tất cả đều thực hiện lệnh và thao tác gần như cùng lúc. Và tất nhiên là bởi ý chí của một nhóm người trên thị trường.
Chim Lợn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiệm vụ là để kêu réo tung tin xấu để hỗ trợ Cá Mập thực hiện đòn “Đè gom”.
Sau khi Cá Mập gom đủ hàng thì đàn Chim Lợn này sẽ về tổ. Khi đó đàn Bìm Bịp được tung ra để bơm tin tốt hỗ trợ đòn “đẩy giá” của Cá Mập.
3. Bìm Bịp
Bìm Bịp là loại chim hay ngâm rượu để làm tăng sức mạnh. Vì vậy hay được ví von vào nhóm hay hô hào tăng giá, hô hào thị trường đi lên. Nhóm này thì có rất nhiều trên thị trường, trong các hội nhóm trên facebook, các nhóm chat zalo…
Các “bìm bịp” thường có xu hướng lạc quan cho rằng thị trường đang đi lên. Nhóm này chuyên hô cổ phiếu lên, FOMO cổ phiếu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều hô hào mua cổ phiếu. Thị trường càng tăng thì càng hô mua, thị trường sập sàn cũng hô mua.
Mục đích của bìm bịp là khiến các nhà đầu tư mua ở giá cao. Vì khi mọi người đều nói về những điều tích cực, hô mua vào sẽ rất nhiều anh em, đặc biệt là mới tham gia chứng khoán sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin này.
4. Chim lợn
Chim lợn là con chim hay báo hiệu điềm rủi, chuyên hô giá xuống. Thị trường tăng cũng hô giá xuống. Thị trường giảm thì bảo giảm sâu hơn. Thị trường lừng khừng thì bảo là sắp phân phối rồi.
Nhóm Chim Lợn và Bìm bịp có nhiều dạng khác nhau, chính là tay trong của Cá mập.
5. Tây lông
Từ này dùng để gọi nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam sẽ được thống kê riêng. Nhằm mục đích để quản lý giới hạn cổ phiếu sở hữu (room) theo quy định.
Đã từng có thời gian giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Chúng ảnh hưởng cả mua lẫn bán ở những mã cụ thể và toàn thị trường.
Hiện nay, tây lông không chỉ là những nhà đầu tư đến từ phương Tây, châu Âu, châu Mỹ,... Mà nhóm này gọi chung là nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Vì có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc,... những nước châu Á. Thế nên gọi là tây lông thì nó không còn đúng nữa. Mà sẽ là nhóm những nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên là chúng ta vẫn giữ từ tây lông như ngày xưa.
6. Market maker
Đội Lái: Giới đầu tư chứng khoán ở Việt Nam tin rằng có những nhà đầu tư có tiềm lực lớn. Họ có lợi thế về thông tin thường được gọi là nhà đầu tư cá mập. Các nhà đầu tư lớn có thể liên kết với nhau để đánh lên hay đánh xuống một cổ phiếu nào đó. Việc này nhằm mục đích kiếm lời hoặc hạn chế thua lỗ.
Vậy nên thuật ngữ tiếng lóng Đội lái là từ ám chỉ các nhóm nhà đầu tư này. Vì bán khống vẫn chưa được phép ở Việt Nam, các đội lái thường tìm kiếm lợi nhuận bằng cách “đánh lên” cổ phiếu.
Đội lái có lợi thế tiếp cận thông tin tốt sớm hơn thị trường. Vì vậy sẽ lặng lẽ gom cổ phiếu đủ lượng mong muốn. Sau đó cố tình cho rò rỉ các thông tin (càng tỏ ra khách quan càng tốt) để nhiều nhà đầu tư đến sau vào mua cổ phiếu này. Đến lúc đó, đội lái có thể bán ra để kiếm lời.
Một nhóm các nhà đầu tư vừa có Bìm bịp, Chim lợn, Big boy,.. Họ sẽ phối hợp với nhau bằng nhiều cách:
- Mua gom cổ phiếu
- Đẩy tin tức tốt ra và mua lên
- Cho “Chim lợn” ra hô hào để cổ phiếu sập sàn
- Gom đủ hàng thì sẽ đánh lên. Bìm bịp hô hào tin tốt
7. Tay to với nhỏ lẻ
Tay to ở đây cũng được ví von là những nhà đầu tư có số lượng tiền rất lớn. Có thể khi họ vào một mã cổ phiếu nào đó trên thị trường, cái lực mua của họ có thể khiến cho thị trường chao đảo.
Hoặc lực mua này có thể khiến cho giá cổ phiếu tăng trần. Hoặc họ mua thì sẽ mua và bán làm nhiều phiên. Những hành động của họ thì thường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các mã cổ phiếu.
Hồi mà thị trường còn rất nhiều cổ phiếu được giao dịch OTC. Ở các sàn OTC có những tay to khi mà chúng ta chỉ cần nghe thấy tiếng xe của họ đỗ ngoài cửa, lập tức cổ phiếu tăng trần 50%. Đó là những nhà đầu tư tay cực to, vì họ vào là sẽ mua gom tất, mua sạch hết và giá nào cũng mua. Cứ làm như vậy thành thói quen khiến cho nhà đầu tư rất hoảng sợ và kính nể họ.
Bây giờ thì các tay to ít hơn, thường ẩn sau hệ thống giao dịch điện tử. Họ mở nhiều tài khoản, cũng như là khéo léo hơn trong việc mua bán. Vì thế mà chúng ta sẽ khó phát hiện ra họ hơn.
Tay to thường bây giờ cũng là những nhóm Big Boy, nhóm cá mập, market maker.
Ngược lại với tay to thì là nhỏ lẻ. Anh em có thể hiểu họ chính là những nhà đầu tư mới vào thị trường. Có những nhà đầu tư siêu nhỏ lẻ khoảng chừng 500 đến 1 triệu. Có những nhà đầu tư nhỏ lẻ ở mức vừa phải, tài khoản vài chục, vài trăm triệu. Nhỏ lẻ là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, ít kiến thức, mới vào thị trường, tài khoản nhỏ.
8. Bò
Con bò trên thị trường chứng khoán là thuật ngữ được ví von với việc tăng giá, những người mà mong muốn thị trường tăng.
Có một số cách giải thích vì sao con bò là đại diện cho thị trường giá lên. Anh em hình dung khi mà con bò tót tấn công địch thủ, thì nó sẽ dùng đôi sừng mạnh mẽ của nó để hất tung đối thủ lên cao. Hãy nghĩ rằng giống như con bò đang muốn hất tung cổ phiếu. Muốn hất tung những kẻ đang bán ra lên trên cao. Hình dung cái lực mua mạnh mẽ đó giống con bò vậy.
Người ta hay nói là thị trường bò hoặc những nhà đầu tư bò là thị trường giá lên. Hoặc những nhà đầu tư đang mong muốn giá lên.
9. Gấu
Ngược lại với thuật ngữ tiếng lóng Con bò là gấu. Anh em hình dung là khi con gấu tấn công đối thủ thì nó hay kéo lê đối thủ đi hoặc kéo xuống. Hình dung với việc đó là thị trường gấu với những nhà đầu tư mong muốn thị trường xuống. Hoặc sợ rằng thị trường còn giảm nữa.
10. Lợn
Lợn là cái con đến thị trường mà ngơ ngơ ngáo ngáo không biết thị trường lên hay xuống. Khi người ta nói về thị trường có 3 loại hình: con bò, con lợn, con gấu.
Bò cũng kiếm được tiền tức là trong thị trường giá lên. Những nhà đầu tư khôn khéo, giỏi giang thì vẫn có thể kiếm được tiền.
Trong thị trường gấu - thị trường giá xuống, những nhà đầu tư bán khống cổ phiếu, bán khống phái sinh vẫn kiếm được tiền. Tức là thị trường giá lên hay thị trường giá xuống. Thì họ đều có cơ hội kiếm tiền rất nhiều với những công cụ trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, lợn thì ngược lại. Ngơ ngáo, vào thị trường không biết đi đâu cả, không biết là thị trường lên hay xuống. Thị trường lên một tí cũng chạy theo, thị trường xuống một tí cũng bán theo.
Thế nên lợn bị “giết thịt” là như vậy. Nhà đầu tư mà không biết, không hiểu thị trường thì giống như con lợn ngơ ngáo bước vào thị trường và bị làm thịt.
11. Cừu non và Sói xám
Sói trên thị trường là mô tả những nhà đầu tư già dơ, lão luyện. Họ có nhiều kinh nghiệm, chỉ chăm chăm giết thịt “ mấy con gà”. Một là nhà đầu tư, hai là môi giới, ba là những nhà đầu tư nào mà hơi “hiểm ác”. Sói rất gian manh và đặc biệt thích “ăn thịt” nhà đầu tư khác.
Nhiều khi hô hào nhà đầu tư “ Mua RXX ngay đi”. Miệng thì hô mua nhưng tay thì lại bán. Sói cũng là nhóm nhà đầu tư tay to, muốn lấy tiền của người khác.
Cừu cũng giống như lợn. Nó là loại cừu với bộ lông mềm, mịn lơ ngơ đi vào thị trường. Và thế là trở thành “miếng mồi béo ngậy”, dễ bị ăn thịt. Những nhóm sói, cá mập ở trên thị trường rất thích nhìn thấy cừu, nhìn thấy nhà đầu tư đông vào thị trường.
Khi anh em là nhà đầu tư mới sẽ hay được ví như là lợn với cừu. Khi đó anh em cần phải cố gắng học hỏi nhiều kinh nghiệm, phương pháp, học cách quản lý vốn,… Ngoài ra có thể xem các series, video về chứng khoán,… trên kênh của Cú để tham khảo.
Anh em có thể tham khảo các tài liệu, sách vở trên kênh của Cú. Và sau đó thực hành từng bước theo đó để nhanh chóng thoát khỏi kiếp lợn và cừu.
12. F0
F0 được ví von là những người rất mới với thị trường. Thường là những người mới mở tài khoản và tham gia vào thị trường dưới 1 năm. F0 thường sẽ phải làm quen với nhiều khái niệm mới. Kinh nghiệm của họ là 0, kĩ năng là 0 và họ chỉ có mỗi tiền thôi.
Có 1 câu nói là: Những người mà cầm tiền trong tay mà không có kinh nghiệm khi mà đến thị trường thì sẽ để lại tiền và thu được kinh nghiệm.
Chính vì vậy anh em mà không muốn mất tiền, anh em cần phải học ngay kiến thức, phương thật sớm nhé. Nếu chúng ta vừa có tiền, vừa có kiến thức thì chúng ta sẽ có thể làm giàu được ở thị trường này.
13. F1 - F2 - Fn
F1,F2,Fn là những người có kinh nghiệm hơn. Tương đương 1 năm, 2 năm, n năm kinh nghiệm. Tuy nhiên không hẳn có nhiều năm kinh nghiệm hơn là khôn hơn.
Có rất nhiều người trên thị trường đánh theo phương pháp nghe người nọ nghe người kia. Trong khi đó phương pháp của họ thì không được trau dồi rèn luyện trong rất nhiều năm.
Cho nên số tiền họ kiếm được vẫn trồi sụt thất thường. Tuy là Fn nhưng kinh nghiệm không khác F0 là mấy. Họ cứ loanh quanh ở thị trường và không vượt bậc được.
14. Nhà đầu cơ
Nhà đầu cơ hay được ví von là nhà đầu tư nhưng họ có 1 tư duy ngắn hạn. Đó là lướt sóng nhanh, kiếm tiền nhanh trong thời gian ngắn.
Và để làm được điều đó thì họ sẽ nhắm vào những biến động ngắn hạn của thị trường. Khi đó họ tìm mua cổ phiếu bứt phá nền giá, cổ phiếu tăng trưởng nhanh. Hoặc thậm chí cổ phiếu nóng, cổ phiếu đầu cơ.
Có rất nhiều phương pháp đầu tư trên thị trường tận dụng biến động ngắn hạn và không hiệu quả của thị trường. Phần thưởng của việc đầu cơ là rất lớn . Có thể kiếm được vài chục % trong 1 tháng.
Tuy nhiên độ rủi ro cũng rất cao. Hầu hết mọi người khi tham gia vào thị trường chúng ta đều bị thu hút bởi hình thức đầu cơ này. Tuy nhiên rủi ro của đầu cơ trong dài hạn là rất lớn và không phải ai đầu cơ cũng thắng. Bởi vì thường rất khó đoán xu hướng của thị trường, của cổ phiếu trong ngắn hạn.
Chính vì vậy những nhà đầu tư mới mà sa đà quá nhiều vào đầu cơ. Chúng ta quên mất phân bổ danh mục trong dài hạn thì chúng ta rất dễ bị mất tiền.
Theo thống kê trong dài hạn 3-5 năm chỉ có 10% nhà đầu cơ là thắng. Trong thị trường giá lên, thị trường bò thì ai cũng kiếm được tiền. Ai cũng ngon, ai cũng nghĩ mình đầu tư giỏi.
Tuy nhiên khi thị trường down, mất tiền thì lúc đó các nhà đầu cơ mới biết ai là người giỏi thật, ai là người theo phong trào thôi.
Chính vì vậy, nếu muốn tiếp cận với loại đầu cơ lướt sóng này đòi hỏi chúng ta cần có nhiều kỹ năng.
15. Nhà đầu tư giá trị hay nhà đầu tư dài hạn
Nhà đầu tư giá trị, dài hạn là những nhà đầu tư có phương pháp mua cổ phiếu tốt. Họ mua theo tín hiệu tốt, xu hướng tốt và nắm giữ nó trong rất nhiều năm. Rất ít khi mua vào bán ra và lướt sóng như nhà đầu cơ mà Cú vừa giải thích phía trên.
Họ cũng thừa nhận rằng họ không thể chiến thắng được thị trường trong việc đầu cơ. Với việc bằng cách đoán thị trường hôm nay, tháng sau, năm sau tăng hay giảm. Họ không làm được việc đấy. Họ tập trung vào việc đầu tư cơ bản, phân tích mã cổ phiếu tốt. Sau đó sẽ chọn thời điểm mua tốt và giữ dài hạn trong nhiều năm.
Điển hình cho nhà đầu tư giá trị là Benjamin Graham, Philip Fisher, Warren Buffett, George Soros,…
16. Xanh vỏ đỏ lòng
Xanh vỏ đỏ lòng nó giống như quả trứng gà trên cây. Vì vỏ xanh nên mọi người thường lầm tưởng là quả vẫn còn xanh, chưa ăn được. Nhưng thực chất là bên trong là lòng đỏ, đã chín rồi.
Xanh vỏ đỏ lòng trên thị trường chứng khoán tức là cổ phiếu lớn, chỉ số VNINDEX thì xanh. Nhưng thực tế rất nhiều mã giảm. Tình huống này xảy ra khi mà khi thị trường đang có hiện tượng lệch pha, có một số cổ phiếu lớn thì giữ index để thị trường trông có vẻ xanh. Lúc nào index cũng tăng điểm lềnh xềnh hoặc đi ngang.
Rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ thì giảm điểm rất là mạnh. Tình trạng này mà các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nhỏ sẽ rất sợ và hoang mang. Bởi vì các cổ phiếu này giảm rất sâu trong khi thị trường cứ đi ngang.
Mọi người thì bảo “sao thị trường đi ngang mà lại lỗ nhiều thế nhỉ?”. Đây là khi các nhà đầu tư rơi vào tình trạng xanh vỏ đỏ lòng. Thị trường lúc này diễn biến không đồng đều, giữ chỉ số chính, cổ phiếu đa phần giảm
Chốt lại xanh vỏ đỏ lòng là hiện tượng một chỉ số của sàn/rổ cổ phiếu tăng điểm (xanh vỏ). Trong khi đó phần lớn các cổ phiếu trên sàn/ trong rổ giảm giá (đỏ lòng).
17. Lùa gà, dụ gà
Trong trường hợp những Big Boy, cá mập, tay to hô hào một cổ phiếu nào đó rất ngon. Cổ phiếu có nhiều tin tốt, kết quả kinh doanh tốt, quý xịn, nhiều dự án mới để các nhà đầu tư mua vào. Coi là các nhà đầu tư nhỏ lẻ như cừu, lợn và gà.
Khi các nhà đầu tư vào trong và mua nhiều rồi thì sẽ bị đóng bẫy lại. Khi đó big boy, tay to, cá mập tháo hàng và xả vào đầu các nhà đầu tư nhỏ.
18. Tát ao (wash out)
Tát ao là tình trạng khi thị trường đi lên, đang trong trend tăng giá thì có đợt điều chỉnh. Đợt điều chỉnh này làm cho rất nhiều cổ phiếu giảm. Ngay sau đó lực mua đổ vào dồn dập, mua sạch các cổ phiếu được bán giá thấp trong đợt điều chỉnh đấy.
Wash out là phiên có dòng tiền mới vào thay thế. Những nhà đầu tư cũ sau khi tăng giá một thời gian đã chốt lời, sau khi cảm thấy hài lòng thì họ bán ra. Khi đó dòng tiền mới, những nhà đầu tư mới vào thay thế. Market maker phi vào và những nhà đầu tư cũ mất hàng. Còn nhà đầu tư mới thì ôm toàn bộ hàng của nhà đầu tư cũ.
Trường hợp này gọi là tát ao, làm một mẻ cá để khuôn sạch các con cá trong ao lên.
19. Đổ bô
Đổ bô là khi các nhà đầu tư nhỏ, lẻ là gà chui vào bẫy bị big boy, cá mập dụ vào. Các nhà đầu tư nhỏ, lẻ này sẽ bị đổ bô lên đầu. Tức là sẽ bị đổ các cổ phiếu giá cao trên đầu. Khi đó nhà đầu tư sẽ ôm phải cổ phiếu giá cao, hình dung như là bị “ăn sh*t”.
20. Trắng bên mua hay múa bên trăng
Múa bên trăng là viết tắt của cụm từ trắng bên mua. Trắng bên mua tức là không có ai mua cả. Tình trạng này xảy ra khi mà cổ phiếu được bán hàng loạt và không có ai mua.
Ngày xưa khi mà thị trường thanh khoản thấp thì có nhiều phiên múa bên trăng. Thậm chí là có những phiên múa bên trăng cả tuần. Bởi vì thanh khoản rất thấp vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2007 của chứng khoán.
Hiện tại thì đã ít hơn, thị trường có nhiều dòng tiền, nhiều bên tham gia. Tình trạng múa bên trăng thường nó chỉ xảy ra mấy phiên. Sau đó sẽ được cân bằng thị trường. Khi mà có rất nhiều công cụ khác như chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư lớn tham gia. Rồi các gói kích cầu, chứng quyền thì thị trường sẽ cân bằng nhiều hơn. Các nhà đầu tư sẽ đỡ sợ hơn khi mà tham gia thị trường.
Còn nếu múa bên trăng diễn ra cả tháng thì chỉ có “toi” thôi anh em à.
Cre: Theo Cú Thông Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét